DẪN NHẬP


Những bài thuyết giảng trong quyển sách này là do một trong những vị Thánh Sư được biết đến nhiều nhất trong số những Chân Sư hoặc Đạo Sư Ấn Độ ngày nay. Dù Ngài đã từ trần năm 1948, Ngài vẫn còn được hàng triệu người ở Ấn Độ và ở các nước Đông Phương lân cận xem như là một bậc Thầy vĩ đại, hoặc là một Bare Majaraji, đức Vua vĩ đại trong các vị Vua.

Tên tộc của Ngài là Sawan Singh và Ngài sinh ra tại một làng nhỏ ở Mehman - Singwala gần Ludhiana, một thành phố lớn bang Punjab, ngày 20 tháng 7 năm 1858. Sau suốt một cuộc đời hoạt động không mệt mỏi, Ngài đã rời nhục thân khi sắp đến tuổi chín mươi, vào ngày 2 tháng 4 năm 1948.

Lưng thẳng, mắt sáng, Ngài giữ nét phương phi mãi cho đến lúc tuổi già. Ngài có dáng dấp trang nghiêm, đường bệ, nhưng đồng thời cũng vô cùng giản dị và khiêm tốn. Với một trái tim tràn ngập từ tâm đối với mọi người, Ngài có một sức thu hút tâm linh mãnh liệt khiến người ta đến với Ngài - mọi người, tự mọi nẻo đường của cuộc sống, từ người ở đẳng cấp cao nhứt cho đến người ở đẳng cấp thấp nhứt. Những người, bất luận là người đông phương hay người tây phương, một khi có duyên may được gần gũi với Ngài một thời gian, đều thuật lại rằng trước đó cũng như về sau nầy họ chưa từng gặp được một bậc Thánh như vậy. Ngài có vẻ mặt thể hiện rõ lòng khoan dung và bi mẫn, một sự kết hợp tuyệt vời vẻ đẹp tâm linh và vẻ quý phái, nghiêm trang, thanh bình, lặng lẽ nhưng đầy quyền năng tâm linh.

Không những chỉ có thế, Vị Đại Sư Phụ đó lúc nào cũng như lúc nào đều rạng ngời thứ ánh sáng tâm linh hầu như có thể sờ mó được; một vẻ vui tươi cao nhã và một vẻ thanh bình mênh mông khôn tả, những đợt sóng ánh sáng, bình an và sức mạnh phát ra không ngừng. Tiếng nói của Ngài toát ra âm điệu thương yêu khiến mọi người cảm thấy thoải mái, an tâm, bất luận là người ở hoàn cảnh hoặc địa vị xã hội nào. Nụ cười của Ngài cùng với những tiếng cười thường xuyên và cởi mở của Ngài dường như rực sáng lên niềm vui tinh khiết nhứt, dù cho lúc đó Ngài đang ở nơi nào. Cung cách của Ngài, dù rằng, đúng hơn là chính vì, Ngài có quyền năng tâm linh hiện rõ, luôn luôn giản dị và thân thiện, không bao giờ thoáng gợn mảy may tính kiểu cách hoặc tự tôn. Ngài là một tấm gương tuyệt vời cho nhiều người về tâm từ bi kết hợp hài hòa với quyền năng và khiêm cung vô lượng.

Thế nhưng lời lẽ thì chẳng có mấy khả năng để cố gắng mô tả những bậc đàn anh kỳ tuyệt như vậy của loài người. Chúng ta cần phải thấy tận mắt - nơi quý Ngài - tầm vóc tâm linh cao cả mà chúng ta cần phải thành tựu nơi bản thân mình.

Suốt trong lịch sử dài lâu của Ấn Độ đã có nhiều “dòng” Thánh Sư hoặc Đạo Sư, và trong mỗi dòng như vậy, vị Sư Phụ có toàn quyền chỉ định người được truyền thừa. Một trong những dòng được truyền bá rộng rãi nhứt là dòng của mười vị Đại Đạo Sư, bắt đầu là Đạo Sư Nanak (1469 - 1539). Vị Sư Phụ cuối cùng của Dòng nầy là Đạo Sư Gobind Singh từ trần năm 1708. Như vậy dòng nầy đã tồn tại ngót 200 năm.

Sawan Singh Ji Maharaj là vị Đạo Sư thứ ba thuộc dòng các Đạo Sư do vị Đại Thánh Sư Swami Ji sáng lập. Vị này sinh năm 1818 và mất năm 1878. Những lời dạy của Ngài được rất nhiều người ở Ấn Độ quan tâm, cơ bản vẫn y như lời dạy của hàng trăm các bậc Thầy tâm linh đã từng sống qua nhiều thế kỷ ở Ấn Độ và những nước Cận Đông. Những lời dạy đó được tập họp trong hai quyển, quyển "Saar Bachan" (Tinh hoa các bài giảng) bằng văn vần và "Saar Bachan" bằng văn xuôi. Những lời dạy này cơ bản cũng giống như lời dạy của các Đạo Sư “Đạo Thượng Đế”, trước sau gì cũng giảng dạy về Lời Thượng Đế, trước sau gì thì cũng không khác. Không phải do con người tạo ra, mà do chính Đức Thượng Đế tạo ra. Swami Ji bắt đầu tập hợp thính chúng một cách công khai vào tháng giêng năm 1861, lúc Ngài 43 tuổi sau khi trải qua suốt 17 năm trường hầu như không ngừng thiền định.

Sự đóng góp duy nhứt của Swami đi vào nền đạo học là cái cách Ngài truyền đạt những chân lý bất di dịch của Minh Triết ngàn xưa. Ngài diễn đạt một cách thực đơn giản và cực kỳ khúc chiết. Những chân lý huyền môn trước đây bị che giấu một phần, hoặc thậm chí là hoàn toàn, vì được diễn đạt bằng những dụ ngôn bí ẩn, thì nay sứ mạng của Ngài là diễn giải trắng ra, đem những chân lý kia đến tận tay những ai quan tâm tìm kiếm ý nghĩa và mục đích cuộc đời, dù những người đó là những ông hoàng có học vấn uyên thâm hoặc là những dân quê không biết chữ. Chính bằng cách đó mà Swami Ji đã trở thành người sáng lập ra đức tin, khoa học và triết lý về Thượng Đế. Từ "Radha Soami" có nghĩa là “Đấng Chúa Tể của linh hồn”, và là danh gọi của đức Thượng Đế. Từ này được dùng lần đầu do một trong những đệ tử thân cận với Đạo Sư Swami Ji.

Phương pháp truyền thụ rõ ràng và đơn giản của Ngài Swami Ji được tiếp nối do Ngài Hazur Baba Jaimal Singh Ji Maharaj. Vị này, năm 1891, an trú tại một địa điểm trên bờ Tây của sông Beas, bang Punjab, cách làng Beas vài dặm về phía bắc. Trong mấy năm đầu, Baba Jaimal Singh sống trong một túp lều đơn sơ. Dần dần, số đệ tử gia tăng, người ta cất lên nhiều nhà mới, đào một cái giếng và rồi thì một làng mới được thành hình.

Bằng cách đó đã hình thành hạt nhân của bản doanh Tín Ngưỡng Thượng Đế ngày nay. Đó là cái cộng đồng định cư được gọi tên là Dera Baba Jaimal Singh (trang trại của Baba Jaimal Singh), và cũng được gọi là Cộng đồng theo Tín Ngưỡng Thượng Đế ở Beas, Punjab. Ngày nay Tín Ngưỡng Thượng Đế có hàng trăm ngàn đệ tử ở Ấn Độ và ở các nước láng giềng, và con số các đệ tử thuần Thánh thì cứ gia tăng đều đặn ở Châu Âu, Châu Phi và Châu Mỹ. Một điều đáng ghi nhận là cái con số kia cứ tăng dần và ngày càng tăng nhanh, mặc dù tất cả các bậc thầy chân chính đều tuân hành nghiêm nhặt nội quy cấm vận động, quảng cáo hay thi hành những loại biện pháp nhằm huy động nhiều người gia nhập như các tổ chức khác thường làm.

Baba Jaimal Singh tiếp tục công việc làm Đạo Sư ở Punjab hơn 25 năm. Đầu năm 1903 Ngài chỉ định Đạo Sư Sardar Sawan Singh làm người kế vị, tức là vị thầy thứ ba của dòng Radha Soami ở Beas. Baba Jaimal Singh từ trần ngày 29 tháng 12 năm 1903.

Chính là nhờ Ngài Hazur Baba Sawan Singh Ji Maharji, nhờ đức khiêm tốn quên mình của Ngài, cùng với sức thu hút tâm linh vô cùng thâm hậu của Ngài mà Tín Ngưỡng Radha Joami bước vào thời kỳ tăng trưởng đầu tiên, số đệ tử từ con số vài ngàn đã bùng lên đến hàng trăm ngàn.

Nhiều người Phương Tây có hiểu biết hạn chế hoặc lệch lạc về lịch sử lâu đời và phong phú về tâm linh ở Ấn Độ, cùng với đời sống của hàng trăm những bậc Thánh Sư và Đạo Sư chân chính. Thế cho nên có khi họ rất ngạc nhiên nghe nói rằng tất cả những Đạo Sư ở cấp cao tột hầu như luôn luôn tuân hành quy luật là tự làm việc để nuôi sống bản thân. Đây là điều tương phản với dư luận chung ở Phương Tây vốn vẫn nghĩ rằng những bậc Thánh thiện ở Ấn Độ cả xưa lẫn nay đều sống như những nhà khất sĩ ôm bình bát đi từ nhà này đến nhà khác hoặc như những thầy tu khổ hạnh được các đệ tử cúng dường cho. Ngài Kabir Sahib, một trong những bậc Thánh Sư vào hàng vĩ đại nhứt ở Ấn Độ, là một thợ dệt ở Benarès, trong khi người cùng thời với Ngài, Đạo Sư Nanak, là một nông dân ở Kartarpur. Ngoài ra thì còn rất nhiều những trường hợp khác nữa.

Ngài Hazur Baba Sawan Singh Ji cũng không phải là một ngoại lệ. Dù rằng Ngài rất quan tâm đến những vấn đề về tâm linh ngay những ngày trai trẻ, và cũng hằng quan tâm tìm kiếm cho mình một bậc Chân Sư. Ngài cũng đã sớm đi làm việc cho nhà nước. Sau khi theo học ở trường Cao Đẳng Công Nghiệp Dân Sự Thompson ở Roorkee, một thành phố nhỏ cách Đề Li khoảng 100 dặm về phía đông bắc, Ngài đã trở thành một kỹ sư quân đội. Với khả năng đó, Ngài đã phục vụ suốt 28 năm, và về hưu năm 1911. Trong số rất nhiều công việc của Ngài, phải kể đến việc Ngài đã thiết kế và chỉ huy thi công nhiều tuyến xa lộ chính ở Punjab.

Trong suốt quãng đời lúc trẻ tuổi, Ngài đã tích cực tìm một vị Chân Sư và từng đến viếng nhiều người Thánh thiện mà Ngài nghĩ là đã biết được cái chân lý cốt tủy. Thế nhưng chẳng ai cho Ngài cái Ngài cần - lòng xác tín trọn vẹn - mà cả tâm trí và tâm tính của Ngài đòi hỏi trước khi mà Ngài có thể công khai nói lên.

Trong một thời gian dài, Ngài thường tới lui với một người Thánh thiện tên là Baba Kahan. Ông này, do công phu kiên trì thiền định suốt 14 năm liền, thường nhập đại định. Hy vọng là Baba Kahan có khả năng chỉ bảo cho Ngài con đường phải theo. Sardar Sawan Singh yêu cầu được truyền tâm ấn. Ông này trả lời, “Không, Đạo Sư của bạn là một người khác”. Người sĩ quan trẻ tuổi lúc bấy giờ liền hỏi xem coi vị Đạo Sư đó là ai để có thể đi tìm. Cũng như những bậc Thầy khác trong hoàn cảnh tương tự, Baba Kahan trả lời: “Khi đúng lúc thì chính ông ấy sẽ phát hiện ra bạn”.

Sau cùng, đến năm 1894, năm 36 tuổi, Ngài có duyên may gặp Ngài Baba Jaimal Singh lúc này đang đến miền đồi Murree ở Tây Bắc Punjab và giảng đạo ở đó. Trước đó, tức là ba năm sau khi an trú bên bờ sông Beas, Baba Jaimal Singh đã nổi tiếng khắp miền tây bắc Ấn Độ vì sự Thánh thiện, vì ánh sáng tâm linh rạng ngời, cũng với quyền năng không ngừng phát quang, và cũng vì đức tin không lay chuyển mà những lời dạy và sự hộ trì bên trong của Ngài đã đem lại cho các đệ tử.

Ngày nọ, ít lâu sau khi Ngài Baba Jaimal Singh đến miền đồi Murree, Ngài đi ngang qua Sardar Sawan Singh mà ông này thì chẳng quan tâm tơ hào đến Ngài, tưởng đâu Ngài là một người Sikh nào đó có việc liên hệ với tòa án. Thế nhưng trông thấy ông, Ngài Baba Jaimal Singh - theo như lời đồn đãi - đã nói với người đệ tử đi theo, Bibi Rukko: “Đó là người mà chúng ta đến đây để truyền tâm ấn”. Bibi Rukko hỏi, “Làm sao có thể có việc đó khi mà ông ta chẳng để ý gì đến Sư Phụ cả?” Và Sư Phụ đã đáp: “Bốn ngày nữa thì ông ta sẽ đến bên chúng ta”. Thế là bốn ngày sau đó, khi hay tin là có một bậc Thánh thiện đang mở khóa giảng, người sĩ quan trẻ đó, Sardar Sawan Singh, liền đến nghe. Vị Sư Phụ đã gây một ấn tượng thực sâu sắc nơi ông, và chỉ sau vài ngày, ông đã được Sư Phụ truyền tâm ấn, đúng như lời Baba Jaimal Singh đã tiên tri. Ngày ông được truyền tâm ấn, một ngày tốt lành trong lịch sử đạo học Ấn Độ hiện tại, đó là ngày 15 tháng 10 năm 1894.

Từ ngày truyền tâm ấn đó cho tới ngày Baba Jaimal Singh qua đời vào tháng 12 năm 1903, trong suốt chín năm trường, Baba Jaimal Singh đã liên tục rèn luyện người đệ tử chọn lọc đế kế nghiệp Ngài trong tư cách là vị Đạo Sư thứ ba thuộc dòng các Đạo Sư Radha Soami ở Beas. Sardar Sawan Singh đã là Đạo sư. Sau khi Baba Jaimal Singh qua đời, Ngài vẫn còn là một kỹ sư quân đội. Ngài vẫn tiếp tục chức vụ nầy mãi đến năm 1911 mới về hưu non. Lúc đó Ngài mới 53 tuổi. Từ lúc ấy cho đến khi Ngài qua đời năm 1948, ngay trước khi bước vào tuổi 90, trong suốt 37 năm trường Ngài đã phục vụ cho số đệ tử ngày càng đông, với tư cách là một Chân Sư - một vị Satguru.

Trong khoảng 25 năm đầu của thời gian phục vụ với tư cách của một Đạo sư, Ngài đã toàn tâm toàn lực huấn luyện tâm linh và khải đạo, ngoài ra Ngài còn có sức mở rộng và nâng cấp nơi ăn chốn ở và đem lại nhiều tiện nghi cho trang trại Baba Jaimal Singh. Đó là một việc làm cần thiết, bởi vì số lượng ngày một gia tăng các đồ đệ đến đó để tham kiến Sư Phụ, tham dự các khỏa giảng và nghe những buổi giảng, ngoài ra còn vì số lượng ngày càng đông các đệ tử đã được truyền tâm ấn, theo lời mời của Sư Phụ, đã đến cư trú lâu dài ở đó.

Vào khoảng năm 1936, khi công việc ở trang trại căn bản đã hoàn thành thì Sư Phụ, thể theo lời thỉnh nguyện của đông đảo người mộ đạo, bắt đầu những cuộc viếng thăm khắp nơi ở Punjab và nhiều miền khác ở Bắc và Trung Ấn, những nơi có những nhóm vừa hay nhóm lớn các đệ tử đã được truyền tâm ấn - những Satsangi - thường trú.

Từ “Satsangi” do từ “Satsang” mà ra. Satsang nguyên có nghĩa là hòa nhập chân thật. Hòa nhập cùng một Chân Sư là sự hòa nhập bên ngoài; hòa nhập của linh hồn với lời Thượng Đế là hòa nhập bên trong - điều này sẽ được nói rõ hơn trong phần sau của bài dẫn nhập này. Khi một nhóm đệ tử hoặc người cầu đạo tập hợp lại với nhau để nghe một Đạo Sư thuyết giảng thì đó cũng là một Satsang. Một Satsangi là một người đã được Chân Sư truyền tâm ấn và vì thế mà thong dong vui vẻ hòa nhập với Sư Phụ, bước đầu là hòa nhập bên ngoài, và khi đã tiến bộ về tâm linh thì có cả sự hòa nhập bên trong.

Từ đó cho đến cuối đời vị Đạo Sư vĩ đại ấy mãi tiếp tục những cuộc viếng thăm đến hầu hết các thành phố lớn và thị trấn ở miền Bắc và Trung Ấn Độ để diễn giảng những đề tài về tâm linh và đồng thời cũng để truyền tâm ấn cho những ai tụ họp để nghe lời Ngài thuyết giảng ở mọi nơi mà Ngài đến. Chẳng có mấy khi trước đó - và không hề có ở thời nay - Ấn Độ có được một vị Chân Sư có sức thu hút tâm linh mạnh mẽ đối với nhiều người như vậy và Ấn Độ cũng chẳng mấy khi có hàng ngàn và hàng ngàn người chỉ vì nghe lời dạy của một Chân Sư mà đã thay đổi và chuyển hướng cách sống như vậy.

Thật vô cùng khó khăn, nếu chúng ta muốn có một ý niệm chính xác về thứ quyền năng tâm linh mà những Đạo Sư có tầm cỡ như vậy đã sử dụng, về những ơn ích mà quý Ngài đã ban phát, và về thứ Tình Yêu sâu thẳm và không ngừng triển nở mà quý Ngài đã gieo vào lòng những đệ tử của mình. Chúng ta, những kẻ mù lòa về tâm linh thậm chí cũng không có được một khái niệm về quyền năng vô tận của quý Ngài. Người viết nghĩ rằng tốt nhứt là đưa vào đây những trích đoạn rút ra từ những bài mô tả của một chứng nhân người Mỹ. Đây là một quan sát viên có trình độ cao từng tận mắt quan sát công trình của Sư Phụ, một đệ tử của Sư Phụ, một vị tiến sĩ mà ngay từ lúc trẻ tuổi đã là một mục sư Tin Lành và cũng là một nhà truyền giáo, nhưng về cuối đời đã trở thành một đệ tử tận tâm kính tín đối với vị Sư Phụ kính yêu của mình là Ngài Hazur Maharaj Baba Sawan Singh Ji.

Người Mỹ đó, tiến sĩ Julian P. Johnson, đến Dera Baba Jaimal Singh năm 1932 và ở luôn tại đó cho đến cuối đời. Nhiều bài mô tả đức Đạo Sư trong khi làm việc này việc khác do ông viết thì người đọc khó mà quên được, nhứt là những người từng cộng sự với ông. Sau đây, chẳng hạn là một bài tường thuật soi sáng một sự việc mà người Phương Tây ít biết tới, nhưng lại rất quen thuộc ở Ấn Độ và ở các nước Phương Đông từ hàng năm bảy ngàn năm qua, hoặc còn lâu hơn thế - đó mối tương giao giữa một Chân Sư, chẳng hạn như Ngài Đạo Sư vĩ đại Sawan Singh Ji, với vô số các đệ tử của Ngài - và cái gì xảy ra khi các tín đồ Ấn Độ cử hành cái nghi lễ tương đương với việc người ta đi nhà thờ ở Tây phương:

“Người viết đã có nhiều lần quan sát những đám đông, trong đó có nhiều người có trình độ văn hóa cao, đến tụ tập quanh Sư Phụ và có những cử chỉ bày tỏ sự sùng tín thật phi thường. Nhiều lần anh ta đã cố phân tích những yếu tố tâm lý hàm ngụ trong những cử chỉ đó, những cử chỉ thường kèm theo nước mắt đoanh tròng, hai tay chắp lại trong thái độ sùng tín và trên gương mặt họ thì rạng ngời niềm vui và Tình Yêu thương. Trên đời này chẳng có gì khác trông giống như vậy.

“Cũng chưa từng có ở một nơi nào khác mà người viết được chứng kiến những cử chỉ hồn nhiên và tươi vui vầy tỏ lòng tôn thờ của người đệ tử đối với Sư Phụ, vị Đạo Sư thân thương. Trong những buổi tụ tập lớn có cả hàng ngàn người, trên khuôn mặt của họ biểu lộ cả Tình Yêu, niềm vui, niềm hy vọng và sự thể hiện tươi vui. Đôi khi, đẫm lệ hân hoan, mắt họ long lanh như thể tiếp nhận được ánh sáng từ tầng trời thứ ba, ở đây sự tôn thờ đi kèm với sự thấu hiểu, và Tình Yêu. Họ biết rất rõ là họ đang sùng bái ai và sùng bái gì. Ở đây không có thứ lòng tin nơi thần học, không có sự tưởng tượng hay Tín Ngưỡng mù quáng. Đức Thượng Đế Hiện Tiền của họ đang ở ngay tại đó, trước mắt họ, và Ngài không phải là một lý thuyết trừu tượng.

“Tôi biết rõ rằng những điều vừa nói đều ở ngoài tầm nhận thức của bàng dân thiên hạ ở nước Mỹ, những người đã lớn lên trên cái nền văn hóa vốn dĩ là một hỗn hợp vô Thần vô Thánh, gồm những giáo điều trừu tượng và chủ nghĩa duy vật. Thế nhưng đối với người ở đây thì đức Đạo Sư là tất cả, là Thượng Đế, là Thiên Đàng, là đời sống vĩnh hằng kết hợp với nhau, và hóa thân trong hình hài của một con người tại thế. Những triết gia có óc phân tích tinh tế nhứt ở xứ này không thấy có gì là không hòa hợp được giữa ý niệm về Thượng Đế và về biểu hiện tròn đầy của Ngài nơi một con người trần thế. Đối với họ thì đó là một điều thật bình thường và họ không thể tưởng tượng ra sự biểu hiện tròn đầy Tình Yêu của Thượng Đế tại trần gian này lại có thể diễn ra bằng một cách nào khác. Khi họ đã gặp đức Đạo Sư và cảm thấy kính Ngài rồi thì họ biết rằng họ có thể trông cậy vào Ngài để đạt đến cuộc sống vĩnh hằng. Trong sâu thẳm linh hồn, họ biết rằng khi gặp được Đạo Sư thì họ đã có ngay cuộc sống vô biên rồi. Đó không phải là một niềm hy vọng xa vời, một cái gì mơ hồ không thể nắm bắt được khiến họ phải tự vẫn. Đó là một sở hữu hiện tiền. Và vì thế mà họ cảm thấy lòng tràn đầy hân hoan.

“Sự phụng thờ Đạo Sư là một niềm vui lâng lâng, không có niềm vui trần thế nào sánh được. Sư Phụ đến đâu thì như là ánh sáng chan hòa, chẳng còn có chút bóng tối nào tồn tại. Ánh sáng đó làm hiển bày chân lý của tự thân. Tắm trong ánh sáng đó con tim cảm thấy cất cánh lên như phượng hoàng. Tuy nhiên chỉ có kinh nghiệm của bản thân người đệ tử mới đem lại một sự xác tín như vậy thôi. Sư Phụ không mong đợi mọi người đều phải cảm nhận được điều đó ngay”.

Đề cập đến bản thân Sư Phụ Sawan Singh Ji Maharaj cùng sức thu hút của thông điệp Ngài đem đến, tiến sĩ Johnson nói:

“Mọi tầng lớp đều đến với Sư Phụ và được thấy đủ các hạng người trong số những đệ tử của Sư Phụ thật là một điều lý thú. Chẳng hạn như mới ngày hôm qua đây, trong số khoảng 300 người tập họp, chúng tôi để ý thấy có bốn bác sĩ, sáu giáo sư đại học, năm luật sư và thẩm phán và một số đông nhiều người khác có cấp bằng cử nhân văn chương, tiến sĩ khoa học, tú tài văn chương, và đại loại như vậy. Những người này ngồi dưới chân Sư Phụ, lắng nghe Ngài với vẻ mặt rạng rỡ hân hoan. Đây hẳn phải là một thông điệp kỳ diệu nên đã có sức kêu gọi mạnh mẽ như vậy. Và đồng thời cũng kêu gọi cả tầng lớp hạ lưu dốt nát với cùng một sức mạnh như vậy. Những người này dù rằng không nắm bắt được những khía cạnh của lời dạy hoặc là không nắm bắt được một cách có hệ thống, nhưng họ cũng tiếp thu cái cốt tủy những điều đó bằng tâm hồn mình, và cũng đạt được mục tiêu cùng lúc với những bậc thượng lưu trí thức.

“Người dốt cũng biết thương yêu như người có học thức. Điều đó quả là một ân phúc thiêng liêng. Chính tình thương nâng tâm hồn lên cao. Bất kỳ là Sư Phụ đến đâu Ngài đều được mọi người thương yêu và kính trọng. Dưới chân Thánh thiện của Sư Phụ, tất cả quây quần bên nhau một cách bình đẳng, mọi sự phân biệt sang hèn của thế tục không còn nữa. Ngay cả các vua chúa cũng nghiêng mình trước mặt Ngài và tìm cách để đưa quà biếu cho Ngài. Thế nhưng Sư Phụ không nhận ân huệ hoặc quà tặng của ai cả, dù của người sang hay người hèn. Ngài cứ mãi là người ban phát, không bao giờ chịu là người nhận lãnh. Ngài thường nhấn mạnh là sứ mạng của Ngài tại thế gian này là ban phát chớ không phải là nhận lãnh.

Đề cập đến thái độ của chính mình đối với Sư Phụ, tiến sĩ Johnson chân thành bày tỏ:

“Không có người cha thế tục nào có thể từ ái và chăm sóc con cái mình hơn Sư Phụ, ngay cả trong việc chăm lo cho những tiện nghi vật chất tầm thường. Làm sao tôi có đủ lời để ca tụng Ngài cho đúng mức! Ước gì tôi có khả năng phụng sự Ngài tốt hơn nữa. Làm thế nào mà Ngài đã trở thành chính sự sống của tôi như vậy? Đó là một điều bí ẩn sâu thẳm, nhưng đồng thời cũng là một nguồn vui bất tận. Và làm thể nào mà cái điều bí ẩn thiêng liêng kia lại đến với đời tôi? Nó ở bên ngoài những con đường mòn nhân thế. Đối với bàng dân Phương Tây thì đây là điều hoàn toàn ngoài tầm hiểu biết. Thế nhưng tất cả những ai đích thân đã bước trên con đường Thánh thiện này thì đều biết rõ rằng trong đời thường không hề có mối quan hệ nào thân thương và thiêng liêng như là mối quan hệ giữa Sư Phụ và đệ tử.

“Cũng không có mối quan hệ nào khác lại có thể đạt đến đỉnh cao của niềm vui linh Thánh như vậy. Khi người đệ tử cảm nhận rằng mỗi tia sáng phát ra từ Sư Phụ đều mang theo từng luồng sinh khí, tất nhiên người đệ tử đó yêu thương Sư Phụ. Khi người đệ tử cảm nhận ngay trong thâm tâm mình rằng Sư Phụ chính là hóa thân của chính Tinh Hoa Tối Thượng, nay đang dấn thân để tái tạo người đệ tử theo đúng hình ảnh khó tả của Đức Thượng Đế tối cao thì người đệ tử đó sẽ biết rằng đời mà không có Sư Phụ quả là một tai họa khủng khiếp”.

Trong thời gian là một Đạo Sư, Hazur Baba Sawan Singh Ji đã truyền tâm ấn cho 125,000 người, con số lớn nhứt mà một Đạo Sư đã đạt được từ trước đến giờ. Trước khi từ trần, Ngài đã viết di chúc, có sự chứng kiến của tiến sĩ Pierre Solimidt, các con trai của Ngài và một số người khác, truyền thừa cho Ngài Sardar Bahadur Jagat Singh Ji, một giáo sư hóa học hồi hưu và cũng là phó hiệu trưởng trường Cao Đẳng nông nghiệp nổi tiếng ở Lyallpur, đây là một người có đời sống tâm linh sâu sắc suốt từ thời mới trưởng thành, sự sùng tín của ông đối với Sư Phụ của mình trong nhiều năm trường đã là nguồn cảm hứng cho hàng ngàn Satsangi. Ngay tại nhiệm sở của mình tại trường Cao Đẳng nông nghiệp, ông đã từng được biết đến như là một bậc thầy đáng kính, vì tâm hồn Thánh thiện và cũng vì ông đã dành những khoảng thời gian dài khác thường cho việc thiền định.

Ngài Sardar Bahadur Jagat Singh kế thừa chức vụ Đạo sư từ ngày qua đời của Thái Sư Phụ vào tháng 4 năm 1948, cho tới khi chính Ngài qua đời ở tuổi 67, vào ngày 23 tháng 10 năm 1951. Trong khoảng thời gian ba năm rưỡi ngắn ngủi đó Ngài đã truyền tâm ấn cho khoảng 26 ngàn người tìm đạo.

Trước khi qua đời, Ngài chỉ định người thừa kế là Ngài Sardar Charan Singh Grewal, học vị tú tài văn chương, cháu đích tôn của đạo Sư Baba Sawan Singh Ji. Kế tục sự nghiệp của vị Sư Phụ đã khuất của mình, Ngài hiện là Đạo sư của Radha Soami Satsang ở Beas. Số đệ tử đã lên đến hàng trăm ngàn người.

Tất cả các Đạo Sư dòng Radha Soami và nhiều vị khác nữa đã thân chứng được những thế giới cao hơn và những trạng thái tâm thức cao hơn vốn vẫn được giữ kín đối với phàm nhân. Những điều chư vị chứng kiến ở các thế giới thượng đẳng đều thống nhất với nhau, điều ấy chứng tỏ rằng chân lý vốn không đổi, và những ai đã thân chứng chân lý thì cũng nói như nhau, không tranh cãi gì cả. Chư vị không hề tranh luận, chỉ đơn thuần khẳng định cho những ai muốn nghe, khẳng định rằng bất kỳ ai có cái tâm nhiệt thành đều có thể tiến lên cao và tự minh chứng được những điều bí ẩn của con người và của đời sống tâm linh. Dù vậy những việc làm và những lời thuyết giảng của các Đạo sư cũng vẫn không thấm được vào những ai mà tâm thức vẫn còn đắm chìm trong những ham muốn của giác quan không ngừng đòi hỏi phải thỏa mãn.

Chư vị cũng bảo là trong khi giới trí thức mãi lúng túng trong những vấn đề như những bí ẩn của tâm thức, thời gian, không gian, bản chất của Thần Thánh, Tự Do và những vấn đề kiểu đó, thì người đệ tử được truyền tâm ấn, với đức tin giản dị, Tình Yêu và mục đích trong sáng, luôn tiến bước vững chắc về phía trước, khám phá ra những thế giới mới và những trạng thái tâm thức mới, thực hiện được từ cuộc khám phá nầy đến cuộc khám phá khác và đạt được sự hiểu biết ngày càng sâu rộng về những cái đẹp khôn tả của những cảnh giới tâm linh.

Xưa nay, ở mọi thời đại, con người đã tìm kiếm và khám phá chân lý với sự giúp đỡ của các Chân Sư. Và ngày nay thì cũng thế, có rất nhiều người đang theo những con đường cao hơn. Thế nhưng còn cả khối to nhân loại khi nghe thông điệp của các Đạo sư thì tỏ ra hững hờ, không tin, và cứ tiếp tục cuộc tìm kiếm phù phiếm và tác hại những của cải vất chất và những khoái lạc nhục thể. Theo đúng quy luật thì chỉ khi nào tâm trí mệt mỏi và chán chê ảo tưởng, khi nào tâm hồn lâm bệnh, khi nào sự mê hoặc của thế gian thôi cám dỗ thì nguyện vọng chân chính mới nẩy sinh trong trái tim thao thức, và cái tâm thức tỉnh ấy mới bắt đầu đi tìm con đường giải thoát.


Mục Lục   Phần 2

© Copyrighted tamlinh.net